Đầu giờ chiều 11/5, giá vàng SJC của một thương hiệu đã giảm mạnh tới 1,8 triệu đồng/lượng sau chỉ đạo “nóng” của Phó Thủ tướng Lê Minh Khái về việc yêu cầu Ngân hàng Nhà nước (NHNN) thanh, kiểm tra thị trường vàng, báo cáo Thủ tướng Chính phủ ngay trong tháng 5/2024.
Hiện chênh lệch giữa giá mua vào và bán ra vẫn là 2,5 triệu đồng/lượng, đẩy rủi ro lớn về phía người mua vàng. Tức là người mua vàng ngay lúc này với giá 91,30 triệu đồng/lượng nếu bán ra sẽ lỗ ngay 2,5 triệu đồng/lượng, bởi cửa hàng vàng chỉ mua lại với giá 88,80 triệu đồng/lượng.
Giá vàng SJC giao dịch 88,80 – 91,30 triệu đồng/lượng, giảm 1,3 triệu đồng/lượng mua vào, giảm 1,1 triệu đồng/lượng bán ra so với cuối phiên ngày 10/5.
Tại hệ thống PNJ, giá SJC mua vào - bán ra 88,80 – 91,30 triệu đồng/lượng, giảm 1,1 triệu đồng/lượng mua vào, giảm 900.000 đồng/lượng bán ra so với cuối phiên ngày 10/5.
Giá vàng SJC tăng cao kỷ lục, Chính phủ yêu cầu thanh tra thị trường vàng.
Phía Bảo Tín Minh Châu cũng nới rộng giá mua vào và bán ra chênh nhau 2,4 triệu đồng/lượng với giá mua vào là 88,80 triệu đồng/lượng, giảm 1,2 triệu đồng/lượng mua vào và bán ra là 91,20 triệu đồng/lượng, giảm 550.000 đồng/lượng so với cuối phiên ngày 10/5. Đặc biệt cơ sở Mi Hồng niêm yết giá vàng SJC là 87,80 – 90 triệu đồng/lượng, giảm 2 triệu đồng/lượng mua vào và 1,8 triệu đồng/lượng bán ra so với cuối phiên ngày 10/5.
Người dân sẵn sàng chờ cả tiếng đồng hồ, thậm chí có những người xin nghỉ làm để mua vàng SJC hoặc nhẫn chỉ.
Đáng chú ý, những ngày đầu tháng 5/2024, giá vàng SJC liên tục lập đỉnh mới dù NHNN đã nỗ lực tìm giải pháp tăng cung với 5 cuộc đấu thầu vàng miếng SJC, trong đó 2 phiên có đơn vị trúng thầu với tổng số 6.800 lượng.
Trao đổi với phóng viên báo Tin tức chiều 11/5, PGS TS Đinh Trọng Thịnh cho biết: Hiện chênh lệch giá vàng SJC và vàng quốc tế vẫn rất cao, có thời điểm lên tới hơn 19 triệu đồng/lượng (chưa bao gồm thuế, phí), nới rộng đáng kể so với khoảng 14 triệu đồng/lượng trong tháng 4/2024.
Không ít câu hỏi được đặt ra: Giá vàng miếng SJC tăng cả một thời gian dài, ai hưởng lợi?
Với 5 phiên đấu giá gần đây, NHNN kỳ vọng tăng nguồn cung vàng, từ đó kéo giá vàng SJC sát với giá vàng thế giới. Tuy nhiên do phải hủy 3 phiên đấu thầu vàng do ít đơn vị tham gia, 2 phiên thành công nhưng lượng vàng trúng rất ít ỏi, giá đặt đấu thầu lại cao khiến giới đầu tư cũng như doanh nghiệp kinh doanh vàng lo ngại nguồn cung vàng vẫn khan hiếm, nên họ bán cầm chừng. Trong khi đó, dân vẫn đổ xô đi mua vì nghĩ giá vàng còn lên nữa, khiến giá vàng SJC, kể cả vàng nhẫn, càng bị đẩy lên cao.
Dù nắng giữa trưa hay có thời điểm mưa tầm tã, nhiều ngày qua, người dân vẫn kiên trì đi mua vàng vì lo ngại giá SJC còn tăng nữa.
“Giá vàng trong nước đang tăng do bị chịu 3 yếu tố tác động cùng lúc: Thứ nhất, giá vàng thế giới tăng do bất ổn của kinh tế, chính trị; thứ hai, trong nhiều năm nay không có cung vàng miếng ở thị trường nội địa, trong khi nhu cầu mỗi năm đều có, và đặc biệt nhu cầu tăng mạnh trong năm 2022, 2023 là những năm thị trường bất động sản suy thoái, dòng tiền ‘chảy’ nhiều vào kênh đầu tư vàng”, chuyên gia kinh tế, TS Đinh Thế Hiển trao đổi với phóng viên báo Tin tức.
Theo ông Nguyễn Đức Hùng Linh, chuyên gia kinh tế, người sáng lập Think Future Consultancy, giá vàng miếng SJC tăng "điên cuồng" bởi tâm lý đầu cơ của người dân. Trong "cơn sóng" vàng này, doanh nghiệp vàng không bao giờ để mình chịu thiệt, nên để khoảng cách mua vào - bán ra lớn.
"Dù chưa có con số thống kê nào về lợi nhuận của doanh nghiệp vàng sau những đợt sóng vàng nhưng lợi nhiều nhất vẫn là 'nhà cái'. Người dân mua vào lỗ ngay hơn 2 triệu đồng/lượng bởi khoảng cách mua vào - bán ra lớn”, chuyên gia Nguyễn Đức Hùng Linh nhận định.
Nhân viên bảo vệ liên tục hỏi khách tới mua hay bán vàng và chỉ ưu tiên nhận khách tới bán vàng cho cửa hàng.
Ngoài ra, lãi suất tiết kiệm giảm cũng là nguyên nhân gián tiếp khiến nhu cầu mua vàng tăng mạnh, từ đó đẩy giá vàng trong nước tăng nhanh và tăng cao hơn cả giá vàng thế giới.
Bất chấp những động thái can thiệp thị trường của NHNN, giá vàng miếng SJC vẫn tăng “điên cuồng”. Giá vàng trong phiên sáng và đầu giờ chiều 11/5 có vẻ “hạ nhiệt” được cho là trùng với thời điểm Văn phòng Chính phủ vừa ban hành văn bản thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Lê Minh Khái tại cuộc họp về các giải pháp quản lý thị trường vàng.
Dân "đội mưa" tới giao dịch vàng trong tuần qua.
Phó Thủ tướng yêu cầu: NHNN khẩn trương rà soát, đánh giá toàn diện kết quả triển khai các giải pháp quản lý thị trường vàng, tiếp tục có giải pháp, công cụ điều hành để ổn định, bình ổn ngay thị trường vàng. NHNN cũng được yêu cầu quản lý chặt chẽ hoạt động sản xuất và kinh doanh vàng miếng, kịp thời chấn chỉnh và xử lý nghiêm các vi phạm trong sản xuất, kinh doanh vàng miếng, nhất là các hành vi vi phạm pháp luật, buôn lậu, thẩm lậu, trục lợi, đầu cơ, thao túng, đẩy giá, cạnh tranh không đúng quy định.
“Trường hợp có dấu hiệu vi phạm pháp luật kịp thời chuyển ngay hồ sơ đến Bộ Công an và các cơ quan chức năng để xử lý theo quy định”, nội dung cuộc họp của Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nêu.
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái giao Bộ Tài chính phối hợp với NHNN yêu cầu các doanh nghiệp, đơn vị kinh doanh vàng thực hiện nghiêm quy định về hóa đơn điện tử trong hoạt động kinh doanh, mua, bán vàng theo từng lần. Với nhiệm vụ này, Phó Thủ tướng yêu cầu "không để chậm trễ" và phải hoàn thành chậm nhất trong quý II/2024.
Từ đầu năm đến nay, giá vàng SJC đã tăng 18,38 triệu đồng/lượng. Còn tính từ đầu năm 2019 đến nay, giá vàng miếng SJC tăng tới 55,82 triệu đồng/lượng ở chiều bán. Như vậy trong hơn 4 năm qua, giá vàng tăng rất mạnh. Từ mức giá 36,58 triệu đồng/lượng vào đầu năm 2019, giá vàng miếng SJC đã vọt lên mức 92,4 triệu đồng/lượng ở chiều bán ra vào ngày 10/5, tức là tăng hơn 2,5 lần.
Ngăn chặn “chảy máu” ngoại tệ và buôn lậu vàng
Trao đổi với phóng viên báo Tin tức, chuyên gia kinh tế, TS Đinh Thế Hiển đã bày tỏ quan điểm không bất ngờ khi vàng SJC vẫn “tăng sốc”. Chuyên gia kinh tế này nhấn mạnh: Đấu thầu vàng miếng của NHNN thời gian qua chỉ giải quyết được tạm thời vấn đề cung cầu vàng trên thị trường. Về lâu dài, thị trường cần một giải pháp khác toàn diện hơn, ngăn chặn “chảy máu” ngoại tệ và buôn lậu vàng.
Nhân viên Bảo Tín Minh Châu hoạt động hết công suất để phục vụ khách hàng.
“Tình hình hiện tại, vàng tăng giá không phải do chính sách kinh tế vĩ mô đang yếu kém hay do Nhà nước tung tiền để lạm phát. Nếu những yếu tố này là nguyên nhân khiến vàng tăng giá thì thật sự đáng lo ngại. Tuy nhiên, vàng tăng giá vì chịu ảnh hưởng của vàng thế giới, lãi suất tiết kiệm giảm, các kênh đầu tư khác như chứng khoán, bất động sản suy yếu… khiến cung không đủ cầu. Do đó, chỉ cần lượng vàng được tung ra một cách có kế hoạch, từng bước sẽ dần dần đáp ứng được nhu cầu nhất định cho người dân và làm giá vàng trên thị trường hạ nhiệt”, TS Đinh Thế Hiển nhận định
Dù thời tiết nắng hay mưa, nhiều cửa hàng vàng nhỏ lẻ khác trên phố Trần Nhân Tông, Hà Nội luôn thưa thớt lượng khách tới giao dịch.
Theo chuyên gia Đinh Thế Hiển, để kéo giá vàng trong nước về mức hợp lý, thu hẹp khoảng cách giữa giá vàng trong nước và thế giới, cần có những chính sách đồng bộ. Tất nhiên, chính sách này bao gồm cả giải pháp thị trường và giải pháp hành chính.
“Nhà nước phải kiểm soát vàng có điều kiện, không thể nào vì nhu cầu mua vàng tăng cao mà nhập vàng một số lượng lớn, phải tính toán một lượng vàng hợp lý nhập về nhằm đảm bảo chính sách tiền tệ, và đáp ứng nhu cầu người dân hợp lý”, TS Đinh Thế Hiển nhấn mạnh.
Theo đó, vấn đề quan trọng nhất hiện nay chính là tập trung tránh ngăn chặn trục lợi của việc chênh lệch giá vàng hiện nay, đó là buôn lậu. “Xử lý buôn lậu không chỉ nằm trong những người buôn lậu, mà còn phải mở rộng trong những người mua vàng không có nguồn gốc để bán ra, đó là quản lý chặt các tiệm vàng trong vấn đề kinh doanh vàng.
Thậm chí có thể áp dụng đề xuất mua vàng lớn phải thanh toán qua tài khoản, để quản lý kinh doanh mua bán vàng hiệu quả hơn. Cách làm này sẽ giúp khắc phục được một giai đoạn, đó là giai đoạn mà giá vàng trong nước vẫn chênh lệch với giá vàng thế giới, để tránh ‘chảy máu’ đô la qua đường buôn lậu nhằm mục đích trục lợi”, TS Đinh Thế Hiển kiến nghị.